Đạ Chais: Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm Chanh dây
Ngày 24/12/2024 và 30/12/2024, Ủy ban nhân dân xã Đạ Chais đã trao cây giống, phân bón và vật tư nông nghiệp cho các hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn
Thực hiện Quyết định số 1297/QĐ-UBND ngày 16/12/2024 của Ủy ban nhân dân xã Đạ Chais V/v phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm Chanh dây tại xã Đạ Chais của Hợp tác xã nông nghiệp Đạ Chais (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2024 - 2026) và Quyết định số 133/QĐ-UBND ngày 05/12/2024 của Ủy ban nhân dân xã Đạ Chais V/v phê duyệt Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng cho Tổ cộng đồng sản xuất thôn Klong Klanh, xã Đạ Chais (thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi năm 2024). Ủy ban nhân dân xã Đạ Chais đã tiến hành cấp 3.740 cây giống chanh dây, 1.400 kg giống khoai môn, 2.000 kg phân hữu cơ vi sinh, 16 tấn phân chuồng, 1.300 kg phân NPK, 1.800kg vôi bột, 23kg KCL, 5.760 kg kẽm và 2.880 cây cọc cho 27hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn với tổng kinh phí 939.817.160 đồng, trong đó 480.626.760 đồng hỗ trợ nguồn vốn ngân sách nhà nước thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 và 459.190.400 từ kinh phí tự có của các hộ dân.
Đây là hoạt động góp phần tạo công ăn việc làm, ổn định và nâng cao đời sống cho các hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn có ý chí vươn lên trong phát triển kinh tế. Đồng thời xây dựng chuỗi liên kết giá trị để đảm bảo tính ổn định của đầu ra các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là cây chanh dây.
Để đánh giá được đầy đủ hiệu quả của các dự án liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cần có thời gian liên kết ít nhất là 3 chu kỳ sản xuất. Tuy nhiên qua thực tiễn kiểm tra, nắm bắt của Ủy ban nhân dân xã thì việc hỗ trợ dự án liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị đã bước đầu phát huy được hiệu quả. Việc xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đóng góp quan trọng trong việc thay đổi nhận thức của các bên tham gia, nhất là các hộ dân trực tiếp sản xuất; từng bước hình thành và mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa… Thông qua dự án liên kết, các doanh nghiệp, hợp tác xã dễ áp dụng các quy trình quản lý sản xuất để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, nâng cao năng lực điều hành và tổ chức sản xuất theo hợp đồng đã ký kết.