Lịch sử văn hoá
Vùng đất và con người xã Đa Chais
Đạ Chais (Dà Cais) là một xã miền núi nằm ở hướng Đông Bắc thuộc huyện Lạc Dương tỉnh Lâm Đồng, phía Bắc tiếp giáp với tỉnh Đắc Lắc, phía Đông giáp hai tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, phía Tây giáp xã Đạ Nhim (Dà Nim), phía Nam giáp xã Đạ Sar (Dà Sar ). Xã Đạ Chais hiện nay có diện tích tự nhiên 34.104,17 ha; dân số có 259 hộ/1.278 khẩu, trong đó dân tộc thiểu số có 218 hộ/1.165 khẩu, chiếm 91%.
Là vùng rừng núi có nhiều loại gỗ quý như pơ mu, quế, hồi, cây gió cho trầm hương…; nhiều hệ động vật gồm các nhóm côn trùng lưỡng thể, bò sát, chim, thú nằm trong khu bảo tồn quốc gia Bi Doup - Núi Bà (Yàng Bic Dùp).
Xã Đạ Chais là địa bàn có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, là vùng rừng núi lợi hại, từ đây có thể thâm nhập, liên lạc đến các vùng trong huyện Lạc Dương, Đơn Dương và thành phố Đà Lạt. Đồng thời, nằm trên đường hành lang chiến lược nối liền các tỉnh Nam Tây Nguyên với các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận.
Về hành chính, trước khi tham gia cách mạng, các buôn Đồng Mang, Đạ Tro (Dà Tro), Đưng K’Si (Dơng Kơ Xi), KLong KLăn thuộc xã Killplagnol hạ; khi tham gia cách mạng thoát ly vào rừng trở thành một xã độc lập, khi hình thành huyện Lạc Dương xã được đặt tên là xã Lạc Tiến; sau ngày giải phóng nhập vào xã Đạ Nhim (Dà Nĩm) hình thành xã Đạ Chais, đến tháng 01 năm 2005 tách ra khỏi xã Đạ Nhim, thành lập xã Đạ Chais như hiện nay gồm 4 thôn: Đồng Mang, Dơng Tô Bo, Đưng K’Si và KLong KLăn.
Trước năm 1960, Đạ Chais là một vùng trắng, do bộ máy tề ngụy và đạo giáo quản lý kìm kẹp, từ cuối năm 1959 thực hiện Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và ảnh hưởng của phong trào Đồng khởi ở miền Nam, các đội vũ trang tuyên truyền thâm nhập, giáo dục tuyên truyền vận động tổ chức quần chúng đấu tranh chống địch, Đạ Chais được giải phóng gồm có 3 buôn Đồng Mang, Đạ Tro và Đưng K’Si gồm có 30 hộ với khoảng 350 người dân đều là dân tộc ít người, từ đó xã Đạ Chais trở thành xã căn cứ duy nhất của tỉnh Tuyên Đức, mặc dù bị địch đánh phá càn quét và khủng bố ác liệt nhưng nhân dân Đạ Chais vẫn một lòng một dạ theo Đảng, thủy chung son sắt với cách mạng, kiên cường bất khuất đấu tranh chống kẻ thù, không nao núng lùi bước trước gian nguy, ác liệt, khi gặp khó khăn đói cơm, lạt muối không hề nản chí sờn lòng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước quân và dân Đạ Chais đã lập được nhiều thành tích và chiến công xuất sắc.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đến tháng 11 năm 1975 sau khi huyện Lạc Dương giải thể, xã Đạ Chais thuộc sự quản lý của huyện Đơn Dương; ngày 12 tháng 8 năm 1978, do yêu cầu bức bách của nhiệm vụ giải quyết vấn đề Fulrô, Ban cán sự Đảng huyện Lạc Dương được thành lập, xã Đạ Chais được giao lại cho huyện Lạc Dương.
Ngày 14 tháng 3 năm 1979, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 116-CP về việc chia một số huyện thuộc tỉnh Lâm Đồng trong đó có huyện Lạc Dương. Theo Quyết định 116-CP thì huyện Lạc Dương có 5 xã và 1 thị trấn; địa bàn ba buôn Đồng Mang, Đạ Tro, Đưng K’Si thuộc xã Killplagnol hạ. Đến năm 2004 Chính Phủ ban hành Nghị định số 189/2004/NĐ-CP về việc thành lập xã thuộc huyện Lạc Dương và xã Đạ Chais được tách ra như hiện nay.
Là một địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng, trong suốt gần 20 năm kháng chiến, trong điều kiện khách quan không thuận lợi, xa sự chỉ đạo của cấp trên, địa bàn rộng, địa hình phức tạp nên việc đi lại gặp nhiều khó khăn, phong trào cách mạng chỉ mới phát triển ở một phạm vi hẹp, chưa tạo được sự liên kết với các vùng trong huyện… Nhưng nhờ có đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng, sự lãnh đạo trực tiếp của Huyên ủy Lạc Dương, sự giúp đỡ của các đội công tác nên phong trào cách mạng xã Đạ Chais đã từng bước phát triển.
Cuối năm 1959, cán bộ cách mạng mới thâm nhập địa bàn, gặp gỡ quần chúng tuyên truyền, giáo dục giác ngộ, xây dựng cơ sở, kêu gọi các tầng lớp già trẻ, gái trai đến thầy giảng đạo, già làng, một số người tham gia bộ máy tề ngụy đã giác ngộ đều đi theo cách mạng tham gia kháng chiến. Quá trình đấu tranh quyết liệt với kẻ thù, bất chấp mọi hoàn cảnh khó khăn, gian khổ, xã Đạ Chais đã có tổ chức Đảng, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, một trung đội du kích và ban chỉ huy xã đội, suốt trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cũng như 10 năm đấu tranh giải quyết vấn đề Fulrô sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, lực lượng dân quân du kích Đạ Chais luôn được củng cố, xây dựng và phát triển, hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến đấu, huấn luyện do cấp trên giao phó.
Tháng 5 năm 1962 bà con đấu tranh phá bỏ ấp chiến lược ra rừng lập căn cứ kháng chiến. Từ đó, nhân dân Đạ Chais thoát khỏi ách kìm kẹp của địch, xây dựng vùng căn cứ, hình thành tổ chức Đảng, chính quyền và lực lượng du kích để chiến đấu bảo vệ thành quả đã giành được; năm 1962 vùng Đông Bắc huyện Lạc Dương và vùng Bắc thị xã Đà Lạt được giải phóng.
Bị mất địa bàn rừng núi rộng lớn có vị trí hết sức quan trọng về mọi mặt, địch vừa lo sợ, vừa điên cuồng sử dụng một lực lượng lớn có máy bay, pháo binh yểm trợ, tổ chức nhiều cuộc càn quét, đánh phá ác liệt, đồng thời gom dân lập ấp chiến lược, trước tình hình đó lực lượng dân quân cùng nhân dân Đạ Chais đã chiến đấu dũng cảm, mưu trí, lợi dụng địa thế rừng núi liên tục đánh địch càn quét và đấu tranh bằng nhiều hình thức phong phú, suốt ba tháng ròng địch không gom được dân theo kế hoạch của chúng.
Lực lượng du kích Đạ Chais trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, càng chiến đấu càng trưởng thành, tuy lực lượng ít nhưng đã biết triệt để lợi dụng thế rừng núi, thành thạo cách đánh nhỏ lẻ, đánh địch bằng đủ loại vũ khí từ súng đạn đến mìn, chông, cạm bẫy, tạo nên hiệu suất chiến đấu cao, bảo vệ vững chắc vùng căn cứ, bảo vệ an toàn cơ quan Huyện ủy Lạc Dương, Tỉnh ủy Tuyên Đức, trại giam tù hàng binh, bảo vệ đường hành lang của tỉnh trong suốt thời kỳ đánh Mỹ, căn cứ Đạ Chais trở thành nơi tin cậy, là chỗ dựa vững chắc của các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến tại địa phương.
Hàng năm, nhân dân căn cứ Đạ Chais từ già tới trẻ, con trai cũng như con gái đã vót hàng chục ngàn cây chông, làm cạm bẫy và xây dựng tuyến bố phòng cho vùng căn cứ, có tuyến bố phòng dài hàng chục km tạo nên thế trận vững chắc ngăn chặn có hiệu quả âm mưu đột nhập càn quét của địch. Ngoài nhiệm vụ bám trụ chiến đấu, nhân dân Đạ Chais còn có nhiều thành tích nổi bật về sản xuất và phục vụ chiến đấu, dù phải 6 lần chuyển dời căn cứ, nhân dân Đạ Chais vẫn một nắng hai sương thi đua sản xuất trong điều kiện kẻ thù dùng đủ loại phương tiện, vũ khí để phá hoại, vừa chiến đấu, vừa sản xuất, nhân dân Đạ Chais vẫn thu được một lượng lương thực, thực phẩm khá lớn, đảm bảo cho nhân dân và du kích ăn no đánh giặc, góp phần vào việc nuôi dưỡng thương bệnh binh, phục vụ lực lượng cán bộ cơ quan Huyện ủy, Tỉnh ủy và lương thực dự trữ phục vụ đánh địch lâu dài.
Thời kỳ vùng Đông Bắc Lạc Dương và Thị xã Đà Lạt thiếu muối trầm trọng, căn cứ Đạ Chais đã tổ chức, động viên một bộ phận bao gồm những người lao động khỏe vượt qua hàng trăm cây số đường rừng xuống tận vùng biển Vĩnh Hy - Ninh Thuận lấy muối mang về vừa phục vụ nhân dân, vừa cung cấp cho lực lượng của tỉnh, của huyện đóng trên địa bàn xã căn cứ.
Cùng với việc đóng góp lớn về vật chất trong suốt cuộc kháng chiến, nhân dân xã căn cứ còn huy động hàng ngàn ngày công với hàng trăm lượt người đi dân công tải đạn, tải lương thực, thực phẩm, hàng hóa và thương binh phục vụ đánh địch phía trước.
Điển hình nhất là lực lượng đội vận tải của căn cứ trong một thời gian dài đã vận chuyển vũ khí chuyển theo đường Hồ Chí Minh trên biển từ miền Bắc vào Vũng Rô (Phú Yên) và hàng hóa, vũ khí của đoàn vận tải H50 ở Bù Đốp (Bình Phước) về đến Tuyên Đức, Đà Lạt phục vụ chiến đấu trong chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1968. Xã căn cứ còn thường xuyên đảm nhiệm việc dẫn đường cho cán bộ tỉnh, huyện, các đội công tác, các đơn vị vũ trang địa phương đột ấp, mở mảng, bám trụ trên khu vực huyện Lạc Dương và Thị xã Đà Lạt, bất chấp mọi khó khăn gian khổ hy sinh do kẻ thù gây ra.
Suốt 15 năm địch càn quét đánh phá ác liệt vùng Đông Bắc huyện Lạc Dương và Thị xã Đà Lạt, Đạ Chais đã phải nhiều lần chuyển đi nơi ở mới, mỗi lần như vậy, nhân dân và du kích đã phải bỏ ra bao công sức, mồ hôi xương máu để xây dựng, củng cố căn cứ mới, tạo thế bố phòng chiến đấu, phát nương làm rẫy tạo lập vùng sản xuất mới. Ý chí bám đất, bám làng, bám nương rẫy, rừng núi để làm ra cơ sở vật chất, tạo thế đánh giặc đã thấm sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Đạ Chais.
Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, nhân dân Đạ Chais tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng của vùng căn cứ, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vượt qua biết bao khó khăn gian khổ và đạt được nhiều thành tích đáng kể.
Thời kỳ từ giữa năm 1975 đến năm 1987, Đạ Chais là xã đi đầu trong việc giải quyết vấn đề Fulrô, lực lượng dân quân tham gia truy quét hàng chục đợt, loại khỏi vòng chiến đấu nhiều tên, nhân dân tự giác kêu gọi, vận động bọn phản động Fulrô trở về trình diện với chính quyền cách mạng. Đạ Chais là một trong những xã giải quyết vấn đề Fulrô tốt nhất và sớm nhất của tỉnh, những thành tích đó Đạ Chais đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng hai.
Cùng với thành tích trên, Đạ Chais còn liên tục phấn đấu phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, là một địa bàn rừng núi, nền kinh tế tự cung tự cấp, đồng bào sống chủ yếu sống du canh, du cư, trình độ dân trí thấp kém, an ninh chính trị còn nhiều bất ổn… Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể, sự đồng lòng nhất trí của các tầng lớp nhân dân, đến cuối năm 1987 đã cơ bản giải quyết xong vấn đề Fulrô, củng cố an ninh quốc phòng, vừa chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới.
Từ một xã khó khăn thiếu đói triền miên. Đến nay, bình quân lương thực đầu người đạt 450 kg/năm, tổng diện tích đất gieo trồng ngày mỗi tăng. Cơ bản xoá được tình trạng du canh, du cư phát rừng làm rẫy, từng bước ổn định sản xuất, làm kinh tế vườn hộ; một số hộ gia đình đã sản xuất được các loại sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao, sản phẩm làm ra đã trở thành hàng hóa; các tiến bộ khoa học - kỹ thuật đã được áp dụng tương đối rộng rãi vào sản xuất và đời sống.
Hàng năm, ngân sách nhà nước từ nhiều nguồn vốn đã đầu tư trên địa bàn xã hàng tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là điện, giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, truyền thanh - truyền hình…
Kết hợp với các dự án đầu tư của Nhà nước như: chương trình 135, chương trình 168, các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, giáo dục, dân số - gia đình - trẻ em… đã mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội. Thông qua các chương trình, dự án, từng bước hoàn thiện dần các kết cấu hạ tầng, phát triển chăn nuôi, xây dựng kinh tế hộ, bảo vệ phát triển vốn rừng, ổn định định canh, định cư. Mức thu nhập và việc làm của nhân dân được cải thiện đáng kể; hiện nay nơi làm việc của xã đã có điện thoại, có đường giao thông, toàn xã đã có điện lưới quốc gia, GDP bình quân đầu người đạt 2,5 triệu đồng/năm, cơ bản không còn hộ đói.
Về giáo dục, xã đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về xoá mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập trung học cơ sở; hệ thống cơ sở vật chất trường lớp và đội ngũ giáo viên ngày càng được hoàn chỉnh. Hiện nay ngành giáo dục đã phát triển hoàn thiện từ giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở).
Về y tế, hiện nay xã đã có trạm y tế khang trang đủ điều kiện điều trị các loại bệnh thông thường, là địa phương được công nhận loại trừ bệnh phong, bệnh sốt rét, đã triển khai chương trình khám chữa bệnh miễn phí cho nhân dân, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên chỉ còn khoảng 2%.
Quốc phòng an ninh ngày càng được giữ vững, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được củng cố, chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch; hệ thống chính trị được quan tâm xây dựng, trong đó tổ chức Đảng được xây dựng vững mạnh trên cả ba mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức; công tác vận động quần chúng luôn được chú trọng, dân chủ cơ sở được phát huy đã tạo ra không khí phấn khởi, tin tưởng, tăng thêm niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ mới.
Nguồn: https://lamdong.gov.vn/sites/lacduong/gioi-thieu/lich-su-truyen-thong/SitePages/vung-dat-va-con-nguoi-xa-da-chais.aspx